Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Những bệnh nhân sống nhờ nguồn máu hiến

(CTT-Đồng Nai) Với bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng, nguồn máu dự trữ để truyền vào cơ thể mỗi đợt là cách giúp họ duy trì sự sống. Nhờ có nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện mà rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, trở về cuộc sống đời thường.
Điều dưỡng kiểm tra độ tương thích của máu dự trữ với máu của bệnh nhân trước khi truyền máu
Điều dưỡng kiểm tra độ tương thích của máu dự trữ với máu của bệnh nhân trước khi truyền máu

Đi viện như đi chợ

Suốt 12 năm qua, vợ chồng chị Nguyễn Mộng Yến (ngụ xã Bàu Cạn, H.Long Thành) thay phiên nhau đưa con trai N.Đ.D.T., 12 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để truyền máu nhằm duy trì sự sống cho bé.

Chị Yến chia sẻ, khi đang mang thai ở tháng thứ 6, chị bị thiếu máu và thai ngoài tử cung, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Sau khoảng 3 tháng nằm viện, chị sinh ra bé trai D.T. Ngay khi vừa sinh ra, em bé đã được chẩn đoán bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Bé T. sau đó được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị.

Những năm đầu tiên, cứ khoảng 5 tuần, bé T. phải đến bệnh viện để truyền máu, thải sắt 1 lần. Càng lớn tuổi, thời gian phải đi truyền máu, thải sắt của bé T. càng được rút ngắn. Đến nay, khi ở tuổi 12, cứ 2 tuần 1 lần, bé T. phải đến bệnh viện để truyền máu. Tùy vào thể trạng, sức khỏe của bệnh nhi mà mỗi lần, các bác sĩ sẽ chỉ định truyền 250 ml hoặc 350 ml máu.

Theo chị Yến, do thiếu máu thể nặng nên cứ đến giao mùa, con chị dễ bị ốm vặt. Cứ đến những ngày cuối chu kỳ truyền máu, cháu lại uể oải, mệt mỏi. Đến khi được truyền máu vào cơ thể, cậu bé như được tiếp thêm năng lượng, khỏe khoắn hẳn lên, vận động, vui chơi bình thường.

Còn chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) thì tâm sự, khi con gái được 7 tháng tuổi, thấy da con xanh xao, bỏ ăn, bụng chướng, quấy khóc, tiêu chảy nhiều, chị đã đưa con đến bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để làm xét nghiệm. Các bác sĩ kết luận con chị bị bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó đến nay, cứ 2-4 tuần, chị Thủy lại đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để truyền máu.

“Có thời điểm dịch Covid-19 thiếu máu dự trữ, chúng tôi rất lo lắng vì con mình sống phụ thuộc vào nguồn máu này. Chúng tôi rất biết ơn những tình nguyện viên đã tích cực tham gia hiến máu” - chị Thủy cho hay.
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai truyền máu cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai truyền máu cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh

Mong nguồn máu dự trữ luôn dồi dào

Nói về ý nghĩa của nguồn máu dự trữ trong công tác điều trị bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh, BS CKI Trần Xuân Lam, Phụ trách Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khoa đang quản lý 200 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh trong toàn tỉnh. Trong đó có hơn 100 bệnh nhi phải truyền máu, thải sắt thường xuyên để điều trị bệnh.

“Bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh thể nặng phải phụ thuộc vào việc truyền máu suốt đời để duy trì sự sống chứ không chỉ là cung cấp một phần máu cho cơ thể. Nếu không có máu thì các bệnh nhân sẽ không thể sống nổi” - BS Lam nhấn mạnh.

Cũng theo BS Lam, với sự tiến bộ của y học ngày nay, các bác sĩ đang hướng tới mục tiêu điều trị để bệnh nhân tan máu bẩm sinh có thể trở về cuộc sống bình thường, có thể đi học, lao động, sinh hoạt như những đứa trẻ khác. Vì thế, các bệnh viện cần một lượng lớn máu dự trữ.

Mặt khác, một số bệnh nhân tan máu bẩm sinh, việc truyền máu nhiều lần có thể sinh ra những kháng thể bất thường. Nếu truyền nhóm máu không phù hợp với bệnh nhân sẽ sinh ra tán huyết khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc lựa chọn đơn vị máu phù hợp về mặt miễn dịch cho bệnh nhân rất quan trọng.

BS Lam cho biết, đôi khi các nhân viên y tế phải lựa chọn từ 10-20 bịch máu mới có được 1 bịch máu phù hợp cho những bệnh nhân nói trên. Nếu không có ngân hàng máu dồi dào sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

BS Lam nói thêm, mỗi năm, khoa tiếp nhận và sử dụng từ 1,5 ngàn - 2 ngàn đơn vị máu. “Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là xảy ra tình trạng thiếu máu dự trữ, thiếu các nhóm máu hiếm, bởi trong số hơn 100 bệnh nhi có một số bệnh nhi mang máu hiếm. Chúng tôi rất mong Hội Chữ thập đỏ các cấp khi kêu gọi và phối hợp tổ chức các đợt tiếp nhận máu hiến sẽ có phương án để cân đối trong việc tiếp nhận các nhóm máu cho phù hợp, tránh trường hợp có nhóm máu thì nhiều quá, nhóm thì ít quá. Bệnh viện cũng rất mong sẽ nhận được nguồn máu tươi (trong vòng 1 tuần từ lúc tiếp nhận máu hiến đến khi truyền cho bệnh nhân) để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân”- BS Lam chia sẻ.
Người dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện
Người dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang