Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng Nai thu hút đầu tư cơ giới hóa cho sản xuất nông nghiệp

(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai có thế mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống, giết mổ, tiêu thụ. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa (CGH), tự động hóa, tỉnh đã phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Tỉnh cũng có thế mạnh phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái và đang đẩy mạnh ứng dụng CGH trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan mô hình máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại hội thảo “Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp” trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh: Song Lê
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan mô hình máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại hội thảo “Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp” trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh: Song Lê

Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư khi được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu, sản xuất máy móc nông nghiệp ngày càng chú trọng khai thác thị trường giàu tiềm năng này.

Ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi
 
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CGH, tự động hóa, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường; 50% ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại...

Tỉnh có nhiều mô hình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, tổ chức sản xuất. Cụ thể, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) là mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước nuôi gà xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, tất cả các hoạt động tại trại nuôi như: cho ăn, uống nước, uống thuốc, úm gà… đều được tự động hóa. HTX cũng đã đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân trở thành nguyên liệu làm ra phân hữu cơ. HTX xây dựng được chuỗi liên kết không chỉ với nông dân mà có nhiều đối tác là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu…
 
Theo ông Quyết: “Tuy đã áp dựng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật, nâng cấp về công nghệ mới nhằm đảm bảo đàn vật nuôi tăng trưởng nhanh nhất, đạt năng suất cao nhất, giá thành hạ nhất và tiết kiệm được công lao động, đặc biệt chủ động phòng ngừa không để xảy ra bệnh dịch trên đàn vật nuôi”.

Đồng Nai còn có lợi thế lớn là thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trong các lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, giết mổ, chế biến. Đồng Nai đang là trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi của cả nước khi toàn tỉnh có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, có có nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Lĩnh vực giết mổ, chế biến cũng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến xuất khẩu trứng, thịt và các sản phẩm chế biến đi nhiều nước trên thế giới.
 
Chú trọng đầu tư cho lĩnh vực chế biến
 
Đồng Nai có thế mạnh phát triển về cây công nghiệp, cây ăn trái và đã hình thành được các vùng chuyên canh những cây trồng này. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế trong ứng dụng CGH vào sản xuất. Cụ thể, với các cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, điều ứng dụng CGH ở cả khâu gieo trồng và thu hoạch đều chưa cao. Khâu thu hoạch vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào lao động thủ công. Hiện nay, thiếu nhân công khi đến vụ thu hoạch cây công nghiệp, cây ăn trái đang trở thành bài toán khó của vùng.
 
Đối với cây ăn trái, việc cơ giới hóa ở khâu canh tác còn gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung và các loại cây rất đa dạng. Đồng Nai có nhiều cây ăn trái như chuối, sầu riêng có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Tuy tỉnh đã chú trọng thu hút đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, CGH trong nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn; góp phần quan trọng, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống người dân. Thời gian tới, các sở ngành và địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong CGH sản xuất nông nghiệp, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến hoạt động sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.
 
Ông Nguyễn Huỳnh Trường Gia, Giảng viên Khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM góp ý, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Đồng Nai cần phải thực hiện liên kết với hội động các nhà khoa học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm xác định loại cây chủ lực của tỉnh nhà, thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu trọng điểm. Đây sẽ là cơ sở giúp các công ty, nhà sản xuất và các nhà nghiên cứu thực hiện áp dụng CGH đồng bộ cho canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động trí thức trở thành lực lượng nòng cốt cho phát triển CGH trong canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hiện toàn tỉnh có 265 cơ sở chế biến nông sản. Nhưng chỉ có khoảng 10% cơ sở có dây chuyền sản xuất tiên tiến, số còn lại chủ yếu sử dụng thiết bị lạc hậu kết hợp thủ công nên chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Việc ứng dụng CGH đồng bộ vào canh tác, thu hoạch, bảo quản cây ăn trái đang là yêu cầu bức thiết.
Song Lê

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang