Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kiên trì tập luyện để phục hồi chức năng sau đột quỵ

(CTT-Đồng Nai) Thống kê của Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ từ 15-49 tuổi. Đây là con số đáng báo động vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.
Kỹ thuật viên giúp bệnh nhân tập nuốt
Kỹ thuật viên giúp bệnh nhân tập nuốt

Căn bệnh gây tàn phế hàng đầu

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200 ngàn trường hợp mắc bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não). Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu, có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ thời điểm nào.

Để phục hồi sau đột quỵ, người bệnh, gia đình người bệnh phải kiên trì, nỗ lực, thực hiện đúng phương pháp tập luyện dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

BS CKII.Nguyễn Đình Quang, Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ nếu được điều trị kịp thời (trong vòng 6 giờ kể từ khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng của bệnh) có thể trở lại công việc và cuộc sống đời thường như trước khi mắc bệnh. Còn lại, nếu được cấp cứu, điều trị trễ sẽ gặp phải những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân có thể gặp phải di chứng về ngôn ngữ, tức là không thể nói chuyện, nói chuyện lủng củng hoặc mất khả năng hiểu lời nói hay chữ viết.

Rất nhiều bệnh nhân có thể bị yếu liệt hoặc rối loạn vận động. Bệnh nhân bị liệt nửa người trái/phải, yếu cơ ở mặt, cánh tay, chân. Di chứng này khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, cầm nắm đồ vật, giữ thăng bằng cơ thể.

Ngoài ra, một số trường hợp gặp khó khăn trong việc ăn, nuốt. Có những trường hợp nặng khiến thức ăn di chuyển vào phổi dẫn đến viêm phổi.

Bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não đôi khi gặp khó khăn trong việc tập trung. Một vài bệnh nhân khác lại có sự thay đổi tính cách, trở thành một người có tính cách khác so với trước tai biến. Có những trường hợp rơi vào trầm cảm khiến việc phục hồi gặp khó khăn hơn…

ThS.Nguyễn Như Giao, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, nhân lực trong khoa hiện có 22 bác sĩ, kỹ thuật viên. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhân.

Những mặt bệnh chủ yếu bao gồm: di chứng hậu tai biến mạch máu não, hậu gãy tay, gãy chân; những bệnh lý về cột sống như thoái hóa cột sống cổ, lưng, chấn thương thể thao, viêm khớp…Trong đó, có khá nhiều bệnh nhân đến để phục hồi các chức năng sau khi bị tai biến mạch máu não.

Để đảm bảo hiệu quả trong việc điều trị hậu tai biến mạch máu não, ngay từ khi bệnh nhân còn nằm tại Khoa Nội thần kinh, các bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Phục hồi chức năng đã phối hợp để tập luyện cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được tập vận động tay
Bệnh nhân được tập vận động tay

Quá trình tập luyện lâu dài

Theo ThS.Nguyễn Như Giao, quá trình tập luyện phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ được chia thành 4 giai đoạn để can thiệp. Tùy vào mức độ tổn thương của bệnh nhân, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ áp dụng các kỹ thuật phù hợp. Trong đó, chia làm 3 hoạt động chính, gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.

Bệnh nhân được tập nói, tập nuốt, tập đi lại, cầm nắm đồ vật, được hướng dẫn thực hiện các sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, gấp chăn, gối, đi vệ sinh… Mục tiêu nhằm giúp các bệnh nhân có thể thực hiện được các hoạt động thường ngày như trước khi bị đột quỵ một cách sớm nhất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 52 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa cho biết, bà bị xuất huyết não cách đây gần 1 năm. Thời điểm bà bị đột quỵ, rất may được gia đình phát hiện và đưa vào bệnh viện kịp thời nên mới giữ được tính mạng. Tuy nhiên, di chứng để lại là bà bị liệt nửa người bên phải, phải ngồi xe lăn.

Sau khi xuất viện, bà Nhàn đăng ký chữa bệnh ngoại trú tại Khoa Phục hồi chức năng. Đều đặn từ đó đến nay, mỗi tuần 5 ngày từ thứ 2 đến thứ 6, bà Nhàn được các nhân viên y tế tập luyện để cải thiện cơ. Đến nay, tay chân phải của bà đã phục hồi khoảng 60%, có thể cử động được và cải thiện sức cơ.

Trong khi đó, trước khi bị đột quỵ vào tháng 9-2022, anh Nguyễn Ngọc Anh, 47 tuổi, ngụ P.Phước Tân, Biên Hòa là nhân viên kỹ thuật lâm nghiệp hiện trường. Trong một lần đang lái xe đi khảo sát tại rừng ở Đắk Nông, anh Ngọc Anh bỗng dưng thấy mệt mỏi, yếu liệt nửa người bên trái (bệnh nhân có tiền sử bệnh tăng huyết áp). Mặc dù được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông cấp cứu trong giờ vàng nhưng bệnh viện này lại chưa điều trị được bệnh đột quỵ nên anh Ngọc Anh sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Anh Ngọc Anh chia sẻ: “Sau điều trị, đầu óc tôi vẫn minh mẫn nhưng tay chân bên trái bị co cứng, không thể đi làm ngoài hiện trường như trước. Rất may là công ty tạo điều kiện để tôi được làm việc văn phòng. Sau hơn 1 năm tập luyện, tiêm thuốc đều đặn ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tình trạng co cứng tay chân của tôi đã cải thiện nhiều, có thể đi lại được nhưng dáng đi còn xấu”.

ThS.Nguyễn Như Giao nhấn mạnh, bệnh đột quỵ đã và đang trẻ hóa gây nên nhiều hậu quả nặng nề không chỉ cho bản thân người bệnh mà cả gia đình người bệnh và xã hội. Có nhiều bệnh nhân là trụ cột của gia đình nhưng bỗng dưng bị bệnh khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Do đó, các bác sĩ, kỹ thuật viên trong khoa luôn nỗ lực lựa chọn những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể sớm hòa nhập cộng đồng, có thể tiếp tục làm công việc trước kia hoặc những công việc khác.
Bảo Ngọc

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang