Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Thuốc điều trị đau mắt đỏ “cháy hàng”

(CTT-Đồng Nai) Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh khiến xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ. Ghi nhận tại nhiều nhà thuốc cho thấy, nhiều loại thuốc bị đứt hàng, chưa có trở lại.
Các loại thuốc nhỏ mắt
Các loại thuốc nhỏ mắt

Đi khắp nơi không mua được thuốc

Anh Nguyễn Xuân Ba, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa cho biết, cách đây ít ngày, con gái anh đang học lớp 2 được phát hiện bị đau mắt đỏ. Sau đó, con trai nhỏ và cả vợ chồng anh cũng bị lây.

Sau khi được bác sĩ khám từ xa và kê đơn thuốc, anh Ba đã ra nhà thuốc để mua thuốc nhỏ mắt TobraDex cho 2 con nhỏ nhưng thuốc cháy hàng, đi 5-7 nhà thuốc lớn nhỏ khắp TP.Biên Hòa đều không có. Vì thế, anh Ba phải tham vấn bác sĩ để mua một loại thuốc khác là Vigadexa.

Đối với thuốc nhỏ mắt cho người lớn loại Cravit 0,5%, anh Ba đi mua tại nhiều nhà thuốc nhưng mỗi nhà thuốc bán mỗi giá khác nhau. Nhà thuốc Long Châu bán 90 ngàn đồng, nhà thuốc An Khang bán 87 ngàn đồng, còn nhà thuốc Sĩ Mẫn thì bán đến 97 ngàn đồng.

“Thuốc là mặt hàng không thể trả giá, nhân viên bán thuốc nói bao nhiêu tiền thì người dân phải trả bấy nhiêu. Nhưng cùng một lọ thuốc mà bán chênh lệch đến 10 ngàn đồng thì cần xem xét lại. Không thể vì dịch bệnh mà đội giá thuốc lên được” - anh Ba nói.

Không được may mắn như anh Ba là còn mua được thuốc nhỏ mắt, chị Nguyễn Thị Huyền, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa cho hay, chị đi khắp các nhà thuốc trong thành phố nhưng không mua được loại thuốc mong muốn. Chị về nhà và đăng tải thông tin lên các hội nhóm Facebook và Zalo đã 2 ngày nay nhưng vẫn chưa mua được thuốc. Vì thế, tạm thời chị Huyền dùng nước muối để nhỏ mắt cho con.
Bệnh nhân đau mắt đỏ khám mắt tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Bệnh nhân đau mắt đỏ khám mắt tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

Không đắp lá trầu lên mắt

Nói về phương pháp điều trị bệnh đau mắt đỏ, BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, có một số trường hợp, người bệnh đau mắt đỏ bị sốt nhẹ, nổi hạch trong tai hoặc kèm bệnh hô hấp. Đây là triệu chứng thông thường của bệnh đau mắt đỏ, dần dần sẽ tự hết. Điều quan trọng là người dân không đắp lên mắt các loại thuốc truyền miệng như lá trầu. Đặc biệt, không tìm thuốc chữa đặc biệt bởi có rất nhiều thuốc kháng sinh, nước muối sinh lý, dễ tìm trên thị trường.

BS Khanh nhấn mạnh, khi chưa có ghèn đặc vàng, người bệnh chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý. Trong trường hợp có ghèn rỉ, chỉ cần nhỏ kháng sinh thông thường. Điều quan trọng là chú ý đến vấn đề chăm sóc mắt, có nghĩa là tránh khói bụi, đeo mắt kính, uống đủ nước, tránh dụi mắt quá nhiều. Nếu ngứa thì uống thuốc giảm ngứa. Sau khi dùng khăn lau ghèn trong mắt, phải bỏ đi để không bị bội nhiễm.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị đỏ mắt cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám, tuyệt đối không mua các loại thuốc ở ngoài. Bởi vì một số loại thuốc có chứa chất dexa, với trường hợp có ảnh hưởng đến giác mạc không phát hiện được mà bệnh nhân sử dụng không đúng cách sẽ làm trầm trọng bệnh hơn, gây viêm loét giác mạc.

Về đường lây của bệnh đau mắt đỏ, ThS-BS Phạm Ngọc Hạnh, khoa Mắt, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai nói, bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây lan rất nhanh nên nhiều người lầm tưởng chỉ cần nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây. Tuy nhiên điều này không đúng. Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt, ghèn mắt của người bệnh; lây qua đường hô hấp như nói chuyện, ôm hôn; dùng các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi. Nguồn nước nhiễm mầm bệnh tại ao hồ, bể bơi cũng có thể là nguồn lây bệnh. Thói quen dụi mắt, đặt tay vào mắt, mũi, miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Để phòng tránh dịch bệnh đau mắt đỏ lây lan, cô Trịnh Thị Phượng Hằng, giáo viên lớp 2/3 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, TP.Biên Hòa cho hay, sau lễ khai giảng, lớp ghi nhận một số học sinh bị đau mắt đỏ, phải nghỉ học ở nhà để chữa bệnh. Đến nay, một số học sinh đã khỏi bệnh nhưng một số em vẫn đang còn nghỉ học chưa đến lớp.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan diện rộng, giáo viên thường xuyên liên hệ với phụ huynh qua group Zalo của lớp, thông báo tình hình dịch bệnh và khuyến cáo phụ huynh các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh mắt cho học sinh 2 lần/ngày bằng dung dịch nhỏ mắt, mũi. Nếu học sinh có dấu hiệu ngứa mắt, đỏ mắt, phụ huynh cần thông báo với giáo viên chủ nhiệm, theo dõi sát tình hình của trẻ, đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị. Ngoài ra, cần nhắc trẻ đeo khẩu trang khi ở trường, ở lớp và nơi công cộng để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Các loại thuốc nhỏ mắt
Các loại thuốc nhỏ mắt
Bảo Ngọc

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang