Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Trang bị kỹ năng nghề để theo kịp thị trường lao động

(CTT-Đồng Nai) Những năm gần đây, nhiều ngành nghề mới đã ra đời làm thay đổi xu hướng phát triển thị trường lao động theo hướng: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.
Người lao động cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.
Người lao động cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.

Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, đòi hỏi các bên trong quan hệ lao động cần phải cập nhật, phát triển để phù hợp với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội.

Cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia Dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay. Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đại học chiếm tỷ trọng bình quân 20%, Cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 27% và sơ cấp chiếm 25%.

Để phù hợp thị trường lao động phát triển theo yêu cầu công nghiệp 4.0 và hội nhập, người lao động cần phải đảm bảo 6 điều kiện chất lượng nghề nghiệp, gồm: Năng lực nghề nghiệp (am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao,...); kỹ năng đặc biệt (kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc); kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ (bao gồm công nghệ thông tin); sử dụng tốt ít nhất 1 ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật (bao gồm pháp luật lao động).

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Những dự báo về thị trường lao động cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định…”.

Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động.

Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “lao động tri thức” kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay. Từ đó, cho thấy thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này. Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.
Học tập suốt đời là yếu tố quan trọng giúp người lao động thành công
Học tập suốt đời là yếu tố quan trọng giúp người lao động thành công

Học tập suốt đời để thành công

Hiện nay nhiều sinh viên, học sinh thường cho rằng kỹ năng nghề nghiệp chính là kỹ năng chuyên môn nhưng điều đó không thực sự chính xác. Thực tế, kỹ năng nghề nghiệp là khả năng làm việc, năng lực hoàn thành một công việc của một người đối với một lĩnh vực cụ thể nào đó. Trong khi đó, kỹ năng nghề nghiệp gồm có kỹ năng chuyên môn (kỹ năng nghiệp vụ) và kỹ năng chung (hay còn gọi là kỹ năng mềm).

Việc đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung. Bộ luật lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động bắt buộc phải tổ chức hoạt động đào tạo hằng năm cho người lao động.

Ở góc độ nhà trường, các cơ sở đào tạo đang ngày càng tích cực tăng cường sự liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đây là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên; là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Thông qua việc tham khảo tính chất công việc và vị trí việc làm của từng lĩnh vực nghề nghiệp trong doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp còn tham gia quá trình đào tạo và kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên.
 
“Dù học cấp, bậc nào, tất cả sinh viên, học sinh đều sẽ phải bước vào thị trường lao động. Mỗi người phải làm sao để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công”, ông Tuấn cho hay.

Những người biết chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt… sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc tốt. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà mỗi người có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề. Có như vậy mới đứng vững trong thị trường lao động hiện nay và tương lai.

Sự phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện đại, sự phát triển nhanh chóng như vũ bão của công nghệ buộc chúng ta phải tiếp cận công nghệ, tiếp cận tri thức. Do vậy, muốn thành công thì các bạn trẻ ngày nay không thể học việc theo kiểu “truyền nghề” được nữa mà phải bước qua hệ đào tạo của các trường, phải tiếp cận được tri thức của nhân loại, tri thức của ngành nghề đó rồi mới chuyển đổi thành kỹ năng để đi đến thành công.
 
Như vậy, yếu tố quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp. Các bạn trẻ đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động. Đó là hai yếu tố kết hợp, hòa quyện.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đến sự thành công của người lao động là việc học tập suốt đời. Học tập suốt đời được hiểu đơn giản là việc tích lũy hàng ngày các kiến thức, kinh nghiệm xã hội - lịch sử thông qua những hình thức học tập chính quy, không chính quy, phi chính quy để mỗi người tự “làm giàu” vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tiếp thu được những giá trị, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức mới, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.
Hoàng Giang

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang