Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Son sắc tình yêu với rừng già

(CTT-Đồng Nai) - Trụ sở Trạm Kiểm lâm Suối Ràng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, viết tắt Khu bảo tồn) là ngôi nhà xây duy nhất lọt thỏm giữa rừng già. Đây cũng là trạm kiểm lâm xa xôi, đi lại khó khăn nhất trong tổng số 17 trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn.

Các kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Suối Ràng trong quá trình tuần rừng
Các kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Suối Ràng trong quá trình tuần rừng

Do rừng sâu nên con đường đất trước trụ sở Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thỉnh thoảng mới thấy người qua lại. Đó là các kiểm lâm đi tuần rừng chạy xe máy ngang qua.

Vất vả đường vào rừng

Con đường nhựa từ Khu bảo tồn vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng kết thúc từ barrier của Trạm Kiểm lâm Suối Kốp. Muốn đến Trạm Kiểm lâm Suối Ràng phải tiếp tục rong ruổi xe máy thêm 30km đường rừng trơn trượt với những con dốc thẳng đứng như: Kỳ Đà, Bộ Đội, Láng Sao… Nếu đi xe máy số, khi lên xuống dốc toàn phải dùng số 1 mới đi được. Chỉ một chút sơ sẩy hoặc do tay lái yếu, người và xe có thể ngã lăn ra đường. Phải mất gần 2 giờ, chúng tôi mới vào được Trạm Kiểm lâm Suối Ràng trong cơn mưa rừng xối xả.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Ràng Nguyễn Viết Thiện là người chúng tôi khá quen mặt mỗi khi vào Khu bảo tồn công tác. Tuy vậy, hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi được vào khu rừng già rộng gần 5 ngàn ha được xem là xa xôi, khó khăn nhất trong các trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn, nơi anh công tác.

“Rừng ở đây vắng bóng người nên rất yên tĩnh. Nhờ vậy mà thú rừng tự do di chuyển tìm thức ăn, bạn tình. Điều đó phần nào tạo nên niềm an ủi, động viên cho anh em chúng tôi bám trụ khi không có sóng điện thoại. Do đó, bên ngoài muốn liên lạc với trạm phải gọi nhờ anh em Trạm Kiểm lâm Suối Kốp đi xe máy vào thông báo. Hoặc chúng tôi chủ động tìm những điểm cao cách trụ sở trạm 5-6km để gọi điện thoại báo tin trong tình trạng sóng chập chờn” - ông Thiện cho biết.

Quản lý gần 5 ngàn ha rừng/7 tiểu khu nhưng Trạm Kiểm lâm Suối Ràng chỉ có 6 kiểm lâm viên luân phiên nhau bảo vệ rừng, muông thú 24/24 giờ. Sự vất vả của các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Ràng không phải là con đường đất duy nhất từ Trạm Kiểm lâm Suối Kốp vào mà tất cả các ngõ vào rừng đều là lối mòn phủ đầy gai, vắt, muỗi. Chỉ có những kiểm lâm viên dày dạn kinh nghiệm như: Trạm trưởng Thiện, Trạm phó Lâm Sơn Vương, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Diễn (có trên 10 năm công tác, ngủ rừng nhiều hơn ở nhà với vợ con) mới thông thuộc các lối ngang, ngõ tắt trong rừng.

Đêm ở Trạm Kiểm lâm Suối Ràng, chúng tôi làm bạn với sự u tịch của rừng già, tiếng gọi bầy của muông thú mà lòng nôn nao mong trời mau sáng để về lại nhà. Biết chúng tôi khó ngủ, Trạm trưởng Thiện động viên rằng, tại chúng tôi chưa quen ngủ ở rừng chứ các kiểm lâm viên chỉ cần đi tuần rừng về mà rừng không gặp vấn đề gì thì ngủ rất ngon.

Ấm tình đồng đội, hậu phương

6 cán bộ, kiểm lâm viên ở Trạm Kiểm lâm Suối Ràng gồm các anh: Thiện, Vương, Diễn, Hiếu, Quang và Thảo đều có gia đình. Trong đó, 2 kiểm lâm viên Thảo và Vương có vợ con sinh sống ở các tỉnh phía Bắc nên 2-3 tháng mới dồn được ít tiền, ngày phép về thăm nhà.

“Anh em chúng tôi luôn yêu rừng; giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc; có hậu phương ở nhà vững tin chờ đợi nên mới trụ được lâu ở trạm này” - anh Vương tâm sự.

Bữa cơm sáng nơi Trạm Kiểm lâm Suối Ràng vắng bóng kiểm lâm: Diễn, Vương, Quang vì các anh đã dậy sớm đi tuần rừng. Sáng nào kiểm lâm viên nơi đây cũng phải ăn cơm no nhằm tích đầy năng lượng cho ngày làm việc tốn nhiều sức.

Kiểm lâm viên Thảo cho hay, sáng nay anh và kiểm lâm viên Hiếu phối hợp với nhánh kiểm lâm bên Vườn quốc gia Cát Tiên nên có thể đi muộn hơn.

“Vợ con mình đang ở tỉnh Thanh Hóa. Mỗi lần được về nhà chỉ được 6-7 ngày phép nhưng thời gian ngồi tàu, xe mất nửa số ngày nghỉ phép. Dù vậy, mình cũng phải sắp xếp nghỉ phép đúng thời gian quy định. Như vậy các anh em khác mới có dịp được về” - anh Thảo tâm sự.

Rừng ở khu vực Trạm Kiểm lâm Suối Ràng lại có mưa buổi sớm, nghĩ tới đoạn đường phải trở ra, chúng tôi không khỏi ái ngại. Nhận thấy nét mặt chúng tôi lo lắng, Trạm trưởng Thiện khẽ an ủi, nếu chúng tôi ở lại đến trưa thì anh sẽ xin xe ô tô bán tải của Khu bảo tồn vào chở cả người và xe máy ra, nhưng chúng tôi quyết định tự đi vì ngại làm phiền đơn vị.

Trong thời gian chờ mưa dứt hạt, Trạm trưởng Thiện kể, anh đầu quân về Khu bảo tồn từ năm 2007, trải qua công tác tại rất nhiều trạm như: Cù Đinh, Suối Ràng, kiểm lâm lòng hồ Trị An…, cũng như từng làm các vị trí từ kiểm lâm viên tới trạm phó, trạm trưởng. Để trụ lại với nghề kiểm lâm, theo anh, trước hết cần có tình yêu với rừng.

Trạm trưởng Thiện luôn trăn trở khi có nhiều kiểm lâm viên trong Khu bảo tồn nghỉ việc vì đồng lương thấp, đối diện trước sức ép hạnh phúc gia đình đổ vỡ; thậm chí có kiểm lâm viên bị vợ bỏ để chạy theo tình mới do thiếu sự gần gũi, quan tâm từ chồng.

Câu chuyện Trạm trưởng Thiện kể còn dài mà mưa chưa dứt. Chúng tôi chấp nhận đi dưới mưa trở ra mà lòng không khỏi khâm phục những kiểm lâm viên đã vượt khó, hết lòng gắn bó với công việc, hy sinh cuộc sống gia đình để giữ cho rừng mãi xanh.

“Chúng tôi muốn giữ lại màu áo kiểm lâm viên của Khu bảo tồn để cho rừng và muông thú được bình yên trước những nòng súng, cạm bẫy của lâm tặc”- kiểm lâm viên MÔNG VĂN HIẾU, Trạm kiểm lâm Suối Ràng bày tỏ.
Quỳnh Thư

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang