Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phủ xanh vùng đất đá

(CTT-Đồng Nai) Xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) là vùng đất đá, hiện có 11 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Chơro, Khmer… với hơn 2,2 ngàn hộ, trong đó, đồng bào dân tộc Hoa chiếm tới 75% dân số toàn xã. Bao năm nay, người dân nơi đây vẫn kiên trì vỡ đá trồng trọt, tạo ra cuộc sống sung túc.
Nhiều nông dân ở xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) vươn lên khá, giàu nhờ trồng chuối cấy mô xuất khẩu
Nhiều nông dân ở xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) vươn lên khá, giàu nhờ trồng chuối cấy mô xuất khẩu

Dọn đá, lập vườn

“Bây giờ, người dân địa phương hễ ai siêng năng, nhạy bén làm kinh tế thì đều khá, giàu hết” - ông Chền Vểnh Sáng (70 tuổi, dân tộc Hoa, ngụ ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm) phấn khởi cho biết.

Ông Sáng bám trụ tại vùng đất Bàu Hàm từ sau năm 1975. Ông Sáng cho biết, quá trình khai khẩn đất đá thành rẫy vườn tốn nhiều công sức hơn so với khai khẩn đất đỏ bazan. Bù lại, đất đá rất màu mỡ nên cây thuốc lá và các loại hoa màu, lúa, bắp… không cần phân bón vẫn tươi tốt.

Nhận thấy cây thuốc lá, lúa, bắp, hoa màu chỉ giúp cho nhà nông đủ ăn, khó vươn lên khá giả, đồng bào các dân tộc: Kinh, Hoa, Tày, Dao… ở xã Bàu Hàm đã nhanh chóng chuyển sang trồng các cây công nghiệp chủ lực như: điều, tiêu, cà phê xuất khẩu để đem lại cuộc sống sung túc hơn. Vậy là họ lại nhọc công, dồn sức cho việc dọn đá để tạo thêm nhiều khoảnh đất trống trên mặt rẫy vườn.

“Đá to, đá nhỏ được người dân gom lại thành đống hoặc chất làm bờ tường, bờ bao trong vườn rẫy để ngăn đất khỏi bị xói mòn. Nhờ vậy, cây tiêu, cà phê, điều không cần bỏ nhiều phân vẫn xanh tốt” - ông Sáng bộc bạch.

Mặc dù đất sản xuất nông nghiệp của họ toàn đá với đá nhưng đồng bào các dân tộc ở đây vẫn không nản chí trong việc chinh phục đá thành vườn cây cho năng suất cao như: Cà phê, tiêu, bưởi, mít, chôm chôm… cho giá trị từ 150-200 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây chuối cấy mô xuất khẩu cho thu nhập bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm.

“Hiện đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, số hộ đồng bào khá, giàu đạt trên 40% hộ dân của xã. Nhờ vậy, các chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương ngày càng được đồng bào các dân tộc góp công sức, vật chất để hoàn thiện” - bà Đỗ Thị Diệu Hiền, cán bộ tôn giáo - dân tộc xã Bàu Hàm bộc bạch.

Cây “vàng” của nhà nông

Những năm 2018 trở về trước, vườn rẫy của người dân xã Bàu Hàm là những nọc tiêu sống cao chọc trời tạo sự bứt phá về kinh tế địa phương, lẫn đời sống nhà nông từ năm 2000-2017. Nay thay cho vườn tiêu là những vườn chuối cấy mô xuất khẩu rộng bạt ngàn, phủ kín màu xanh khắp các đồi đá.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm Phạm Nguyên Thoại bày tỏ, khi cây tiêu mất giá, cộng với dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, nông dân địa phương nhanh chóng chuyển sang trồng chuối cấy mô xuất khẩu, bưởi, cây ăn trái các loại. Mặc dù cây chuối cấy mô xuất khẩu có gặp khó khăn trong thời gian ngắn do dịch bệnh Covid-19 nhưng vài năm trở lại đây nó trở thành cây “vàng” của nhà nông địa phương.

Cũng theo ông Thoại, cây chuối cấy mô xuất khẩu hiện chiếm diện tích tới 80% đất sản xuất toàn xã (gần 1,8 ngàn/2,2 ngàn ha), nên sớm tạo nên vùng trồng chuối cấy mô xuất khẩu lớn. Việc trồng chuối cấy mô xuất khẩu cho lãi đạt từ 250 triệu đồng/năm/ha trở lên nên nông dân địa phương càng dồn vốn, kinh nghiệm đầu tư và thuê đất từ các địa phương khác để làm giàu.

Nói về cây chuối cấy mô xuất khẩu, theo nông dân Trần Văn Minh (65 tuổi, ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm) cho biết, cây chuối được đồng bào dân tộc Hoa ở Bàu Hàm trồng từ thời kỳ khai hoang lập nghiệp. Đó là những giống chuối địa phương như: bom, tiêu, mốc… Tuy năng suất không cao và chỉ có giá trị nội địa nhưng nó cũng là cây thích hợp với vùng đất đá. Do đó, gần như rẫy vườn nào trên địa bàn xã cũng trồng ít chuối theo kiểu “cây phụ trong vườn” để có tiền đi chợ.

“Nay khắp nơi trong xã, rẫy vườn nào cũng trồng chuối cấy mô xuất khẩu. Nhiều người trồng chuối dùng máy móc hiện đại để phun thuốc, bón phân. Cuộc sống nhàn hạ nhưng thu tiền tỷ nếu nhà có 4-5 ha” - ông Trần Văn Minh bộc bạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm Nguyễn Hồng Vũ cho biết, nét nổi bật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã là đoàn kết, yêu lao động và luôn biết thi đua làm kinh tế.
Quỳnh Thư

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang