Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phối hợp quản lý người nghiện ma túy điều trị bằng thuốc Methadone

(CTT-Đồng Nai) - Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở điều trị Methadone hiện đang điều trị cho 1.285 bệnh nhân, đạt 91,5% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (1.404 bệnh nhân).

Bệnh nhân nghiện ma túy khám bệnh tại CDC Đồng Nai
Bệnh nhân nghiện ma túy khám bệnh tại CDC Đồng Nai

Nâng cao hiệu quả quản lý

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-UBND về quy chế phối hợp trong công tác quản lý người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh.

Đây là cơ sở để các sở, ban, ngành liên quan làm căn cứ xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân Methadone.

Mục đích của quy chế phối hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực của việc thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản của Đảng, Nhà nước nhằm triển khai có hiệu quả chương trình Methadone. Qua đó, để hoạt động thu dung, điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đạt các chỉ tiêu Chính phủ giao.

Nội dung phối hợp gồm: công tác xây dựng chương trình, kế hoạch, trao đổi thông tin, báo cáo, sơ kết, tổng kết hàng năm về việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TBXH cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp, Chi cục đã tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành văn bản gửi các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc tuyên truyền các nội dung của quy chế.

Trong đó hướng dẫn học viên sau khi hoàn thành việc cai nghiện bắt buộc nếu còn tái nghiện thì đăng ký tham gia điều trị Methadone. Đồng thời, gửi văn bản về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, triển khai tuyên truyền đến tận xã, phường, thị trấn về lợi ích của điều trị Methadone để người nghiện biết và tham gia, đặc biệt là những người chưa đủ điều kiện cai nghiện bắt buộc.

Lãnh đạo Sở cũng đã chỉ đạo các phòng ban tham mưu xây dựng kế hoạch liên tịch giữa ngành Y tế, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Công an để cụ thể hóa quy chế này. Việc xây dựng kế hoạch liên tịch cũng sẽ gắn trách nhiệm của từng đơn vị trong đó sẽ quy định cụ thể về thời gian, lộ trình, công việc.

Trước mắt, lực lượng chức năng sẽ rà soát tất cả những người đang uống Methadone trên địa bàn tỉnh, xem hiện những ai đã có việc làm, ai chưa có việc làm, nhu cầu về học nghề, việc làm như thế nào. Từ đó sẽ có kế hoạch hỗ trợ miễn phí nhóm người này học nghề, tìm việc làm tại các công ty, nhà máy phù hợp với sức khỏe, trình độ, giúp họ có việc làm cải thiện cuộc sống và yên tâm điều trị, bên cạnh đó chúng tôi cũng đã tăng cường việc đào tạo nghề cho các học viên đang cai nghiện tập trung để khi về cộng đồng họ có tay nghề, qua đó có việc làm, có thu nhập nhờ thế sẽ ổn định cuộc sống và không tái nghiện.

Cũng theo ông Hòa, hiện Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tại xã Suối Cao H.Xuân Lộc đang tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho hơn 850 người nghiện với năng lực tiếp nhận khoảng 1 ngàn người thì nguy cơ quá tải là điều khó tránh khỏi, vì thế việc vận động người nghiện tham gia điều trị Methadone sẽ giảm bớt gánh nặng, chi phí cho Nhà nước mà rõ ràng đây là một liệu pháp hiệu quả hiện nay.

Người nghiện ma túy uống Methadone tại CDC Đồng Nai
Người nghiện ma túy uống Methadone tại CDC Đồng Nai

Nâng cao hiệu quả điều trị

BS CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho hay, quy chế đã gắn trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, địa phương. Về cơ bản nhiệm vụ của CDC Đồng Nai vẫn không thay đổi, đó là nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân Methadone. Tuy nhiên, thông qua quy chế UBND tỉnh đã giao, Công an tỉnh có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật thông tin danh sách người nghiện hiện đang quản lý trên địa bàn giới thiệu cho các cơ sở điều trị Methadone để được tiếp cận điều trị.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp CDC Đồng Nai rà soát danh sách và đối chiếu hồ sơ nhằm tránh bỏ sót các đối tượng nghiện tiếp cận cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, CDC Đồng Nai có thể nắm được danh sách những người chưa điều trị Methadone tại địa phương, từ đó phối hợp để vận động họ tham gia điều trị, hàng tháng chúng tôi cũng sẽ gửi danh sách những người đang điều trị Methadone, bỏ điều trị, ra khỏi chương trình... về công an địa phương để nắm. Từ đó, việc quản lý đối tượng sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Cũng theo BS Quang, quy chế cũng đã giao Sở LĐ-TBXH chỉ đạo các Trung tâm, cơ sở dạy nghề; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho những người đang tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone phù hợp với trình độ văn hóa, năng lực, sở trường, sức khỏe nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái sử dụng các chất dạng thuốc phiện khác.

Đây là việc làm rất cần thiết bởi nếu người nghiện điều trị Methadone được hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm phù hợp thì họ sẽ yên tâm điều trị, thực tế cũng cho thấy khoảng hơn 40% bệnh nhân Methadone hiện đang có việc làm và thu nhập và đại đa số họ đều tự kiếm việc làm. Nếu có thêm kênh hỗ trợ này thì rõ ràng người nghiện sẽ yên tâm điều trị và hòa nhập cộng đồng.
Việt Anh

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang