Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Những “mạch máu” phát triển mới của Đồng Nai

Các dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn được kỳ vọng sẽ tạo ra những “đường băng” mới để Đồng Nai “cất cánh” phát triển trong thời gian tới.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông cho quốc lộ 51 và tăng kết nối vùng phục vụ phát triển
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông cho quốc lộ 51 và tăng kết nối vùng phục vụ phát triển

Hạ tầng giao thông sẽ tạo sự đột phá phát triển
 
Sau nhiều năm chờ đợi, tháng 1-2021, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng. Theo tiến độ đã được Chính phủ đề ra, “siêu” sân bay này sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2025.
Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng toàn bộ, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, dự án này không chỉ có ý nghĩa trong việc kết nối giao thông, sân bay Long Thành còn được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn để hàng loạt lĩnh vực khác như logistics, thương mại dịch vụ, phát triển đô thị cùng phát triển.
 
Hơn 1 năm sau khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng, động lực phát triển của Đồng Nai lại tiếp tục được gia tăng khi Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án hạ tầng giao thông lớn khác là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 - TP.HCM.
 
Đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu là tuyến đường sẽ nối thông 2 địa phương phát triển năng động của Vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai, đây cũng sẽ trục kết nối chính giữa sân bay Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Trong khi đó, đường Vành đai 3 - TP.HCM lại là tuyến giao thông mang tính kết nối cho Vùng Đông Nam bộ nói riêng và liên vùng giữa Vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nói chung. Tuyến đường này cũng mang trên mình “sứ mệnh” kết nối hàng loạt địa phương có nền công nghiệp phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An.

Bên cạnh 3 dự án giao thông lớn nói trên, hiện nay Đồng Nai và các địa phương khác cũng đang rốt ráo hoàn thiện các thủ tục đầu tư đường Vành đai 4 -TP.HCM. So với tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM, đường Vành đai 4 - TP.HCM còn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc kết nối các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp như Bà Rịa - Vũng Tàu; Đồng Nai; Bình Dương; TP.HCM và Long An.

Đánh giá về vai trò chiến lược của đường Vành đai 4-TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tất cả các địa phương phát triển về công nghiệp đều phải đi qua đường Vành đai 4-TP.HCM để về cảng Cái Mép nếu xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển. Trong tương lai, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, đây cũng là tuyến đường chính để các địa phương này thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không.
 
Lâu nay, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, xuống cấp chính là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và các tỉnh Vùng Đông Nam bộ nói chung. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai thực hiện tạo ra kỳ vọng rất lớn trong việc tạo ra sự đột phá để phát triển cho Đồng Nai nói riêng và cả Vùng Đông Nam bộ nói chung.
 
Sẵn sàng đón cơ hội
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với các dự án hạ tầng giao thông lớn như sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc do trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Đồng Nai sẽ có một môi trường hết sức thuận lợi để phát triển.

Trên thực tế, ngoài các thời cơ lớn được tạo ra, việc triển khai các dự án giao thông lớn trên địa bàn tỉnh cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, đặc biệt là việc đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án để sớm tạo ra sự bứt phá phát triển. Đối với 3 dự án giao thông lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh là sân bay Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 - TP.HCM đều có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2025. Với một quỹ thời gian vô cùng hạn hẹp, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các địa phương phải nỗ lực tối đa mới có thể đảm bảo yêu cầu về tiến độ các dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, đối với 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 - TP.HCM, các cơ quan liên quan cũng như các địa phương phải đảm bảo mốc thời gian khởi công trước ngày 30-6-2023 như yêu cầu của Chính phủ. Với mốc thời gian như trên, hiện nay các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đang chạy đua về tiến độ.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho hay, đối với công tác hoàn thiện hồ sơ các dự án thành phần thuộc 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đại 3-TP.HCM, đơn vị đang tích cực phối hợp với Bộ GT-VT, các địa phương để sớm hoàn thiện. Đồng thời, các vị trí nút giao cũng đang được rà soát để đảm bảo kết nối giao thông sau khi các dự án hoàn thành.
 
Trong khi đó, đối với công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Đồng Nai cũng đang tăng tốc thực hiện để sớm hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9-2022.
Phan Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang