Sáng 27-11 Nhà xuất bản (NXB) Đồng Nai tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập
và phát triển (1980-2020).
Sự ra đời của NXB Đồng Nai là một
sự kiện có ý nghĩa trong ngành Văn hóa tỉnh nhà nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu
tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Nhà xuất bản Đồng Nai trao biểu trưng tri ân
cho nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng
vì đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực xuất bản của
tỉnh nhà
40 năm - một chặng đường
NXB Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 87/VHTT-XB ngày 19-6-1980
của Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TTDL). Những năm đầu, đơn vị hoạt động
theo mô hình sự nghiệp có thu. Đến năm 1993 NXB Đồng Nai chuyển từ mô hình đơn
vị sự nghiệp có thu sang loại hình doanh nghiệp Nhà nước dưới tên gọi NXB tổng
hợp Đồng Nai. Đây là thời kỳ có những bước tiến vượt bậc cả về chất lẫn lượng, số
đầu sách tăng mạnh, trung bình vài chục đầu sách của những năm trước lên đến
600 - 800 đầu sách cho mỗi năm.
Năm
2004, NXB bản tổng hợp Đồng Nai chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV xuất bản tổng
hợp Đồng Nai, tiếp tục mở rộng liên doanh liên kết, tạo dựng mối quan hệ với
các ban, ngành, với các nhà sách để mở rộng thị trường. Năm 2008, Nhà xuất bản
Đồng Nai nhận quyết định thành lập lại, trở thành đơn vị theo mô hình sự nghiệp
có thu. Đến năm 2017, NXB Đồng Nai được chuyển từ trực thuộc Sở Thông tin - truyền
thông sang trực thuộc UBND tỉnh, mở ra một thời kỳ mới trong lĩnh vực xuất bản ở
Đồng Nai.
40 năm hoạt động, NXB Đồng Nai đã xuất bản khoảng 25 ngàn ấn phẩm với
hơn 40 triệu bản sách và văn hoá phẩm của NXB đã đến với đông đảo bạn đọc mọi
miền. Bạn đọc có thể tìm thấy những công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa, truyền
thống của địa phương; sách kinh tế - chính trị, pháp luật, lịch sử, lý luận,
khoa học kỹ thuật; sách truyện tranh thiếu nhi có tính giáo dục cao. Sách văn học
nghệ thuật của NXB Đồng Nai đặc biệt chú trọng tới sáng tác của đội ngũ văn nghệ
sĩ địa phương, trong đó có nhiều tác phẩm đã được giải thưởng Trung ương và địa
phương.
Có thể kể đến các đầu sách như: Chiến khu Rừng
Sác; Nhớ mãi hào khí Đồng Nai; Miền Đông những chiến công; Biên Hòa - Đồng Nai
300 năm hình thành và phát triển; Bác Hồ với Đồng Nai - Đồng Nai với Bác Hồ; Gia
Định thành thông chí; Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay; Đồng Nai với Đại tướng Võ
Nguyên Giáp... Đặc biệt, bộ sách Địa chí Đồng Nai (gồm 5 tập) tổng hợp nhiều nội
dung, giúp bạn đọc tìm hiểu về vùng đất, con người, văn hóa, danh lam thắng cảnh
và cả những áng thiên cổ hùng văn.

Nhà xuất bản Đồng Nai trao biểu trưng tri ân
cho gia đình cố nhà văn
Hoàng Văn Bổn
Giám đốc NXB Đồng Nai Bùi Thị Lâm Ngọc cho biết:
“Để có được thu hút, quy tụ hàng trăm đầu sách hay là bởi NXB đã có một đội ngũ
cán bộ, nhân viên nhiệt tình tâm huyết, có năng lực thẩm định. Trong đó phải kể
đến sự quan tâm, ủng hộ của những đồng chí lãnh đạo đã từng là đầu tàu như: Nhà
văn Hoàng Văn Bổn, PGS.TS Huỳnh Văn Tới, ông Đặng Tấn Hướng… Và hiện nay, một lớp
biên tập viên mới, trẻ trung và đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản đã và
đang cống hiến hết mình vì sự phát triển bền vững của NXB”.
Sẽ triển khai xuất bản
điện tử
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất bản và nâng
cao vị thế của NXB trong phạm vi cả nước, NXB Đồng Nai đã thường xuyên tham gia
các triển lãm, hội sách trong và ngoài tỉnh; Đồng thời thiết lập hệ thống các đối tác liên kết làm sách có uy
tín, có “thương hiệu” như: Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa, Công ty CP văn hóa
Nhân Văn, Nhà sách Trung Nguyên, Công ty Thiên Ngôn... Việc liên kết hợp tác
này không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn tác động tích cực đến việc đưa
văn hóa phẩm đến người đọc rộng rãi trong cả nước.
Cũng theo Giám đốc NXB Đồng Nai Bùi Thị Lâm
Ngọc, hằng năm NXB trực tiếp phát hành đến gần 1 ngàn địa chỉ trong toàn tỉnh, gồm:
trường học, thư viện, vùng sâu, vùng xa… Bản thân mỗi biên tập viên ngoài công
tác biên tập cũng trở thành những người làm công tác truyền thông, khai thác
các kênh thông tin như: mạng xã hội, báo chí để giới thiệu các bộ sách mới,
sách hay đến với nhiều đối tượng bạn đọc. “Hiện, NXB Đồng Nai đã lên kế hoạch mở
rộng thị trường bán sách online, tiến tới xây dựng đề án và triển khai xuất bản
điện tử” - bà Lâm Ngọc nhấn mạnh.

Các đại biểu tham quan tủ sách trưng bày các
đầu sách văn hóa, lịch sử,
văn học nghệ thuật tiêu biểu của Đồng Nai qua các thời
kỳ
tại Nhà xuất bản Đồng Nai
Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện
nay vừa tạo cơ hội vừa đặt ra thách thức và yêu cầu mới đối với công tác xuất bản.
Theo ông Đặng Tấn Hướng, nguyên Giám đốc NXB Đồng Nai, để nâng cao chất lượng
xuất bản, đưa tác phẩm đến được với học sinh và các nhân dân đòi hỏi NXB Đồng
Nai tiếp tục nỗ lực đổi mới, ứng dụng công nghệ. Bởi hiện nay các phương tiện
thông tin cạnh tranh rất khốc liệt, NXB Đồng Nai ngoài việc đầu tư xuất bản
sách giấy, cần đầu tư xuất bản sách online.
“Với một số tác phẩm, NXB Đồng Nai có thể xuất
bản online trước, trong quá trình đó NXB sẽ lấy được ý kiến của bạn đọc, bổ
sung và nâng cấp để vừa xuất bản giấy vừa
xuất bản trên mạng. Hoạt động này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh,
sinh viên muốn tìm hiểu về Đồng Nai các em sẽ lên trang mạng của NXB tìm hiểu về
các đầu sách. Qua đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay, mai sau” - ông
Hướng nói.
Thanh Thanh
Box: Với những thành tích đạt được trong 40 năm
qua, Nhà xuất bản Đồng Nai đã vinh dự được các bộ, ngành tặng thưởng nhiều phần
thưởng cao quý. Trong đó, 2 lần được giải thưởng của Bộ Văn hóa - thông tin về
triển lãm sách; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1982, 1995, 1996, 1997,
1998); giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1999); giải thưởng Bộ Quốc
phòng (1995, 1996); 4 huy chương vàng cho sản phẩm đĩa CD - Rom...