Thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa (BVÐK) khu vực Long Khánh đã đưa vào hoạt động dịch vụ Phòng sinh gia đình. Tại đây, mỗi sản phụ được chăm sóc ở một phòng riêng biệt, được các nhân viên y tế theo dõi liên tục, sát sao và đặc biệt là người thân sẽ được vào phòng sinh cùng sản phụ. Với hiệu quả bước đầu của mô hình này, số lượng sản phụ đăng ký sử dụng dịch vụ tại Phòng sinh gia đình ngày càng tăng.
Nhiều tiện ích
Thăm những Phòng sinh gia đình mà BVÐK khu vực Long Khánh vừa đưa vào hoạt động từ hơn 3 tháng nay, nhiều người không khỏi thích thú. Trong căn phòng sạch sẽ rộng hơn 20m2, ngoài một số trang thiết bị y tế thì trên tường là những họa tiết được thiết kế bắt mắt, hài hòa như hình những bông hoa, đám mây; máy lạnh được bật ở nhiệt độ vừa phải kèm theo đó là những bản nhạc không lời du dương...
Ðể tạo cảm giác thoải mái nhất cho sản phụ, mỗi phòng sinh chỉ có 1 sản phụ và người thân sử dụng. Thấy được không gian riêng tư, tiện ích tại đây, gia đình chị Lê Thị Huyền Tú, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ (cách BVÐK khu vực Long Khánh gần 20km) đã quyết định chọn dịch vụ Phòng sinh gia đình cho lần sinh con thứ 2. “Trước đây, tôi đã sinh con tại BV nhưng ở phòng sinh thường. Lần này, tôi thấy thoải mái hơn do được ở phòng tiện nghi, ấm áp và hơn hết là luôn có người thân và nhân viên y tế túc trực bên cạnh”, chị Tú cho hay.

Một gia đình sản phụ đang sử dụng dịch vụ phòng sinh gia đình tại BVĐK khu vực Long Khánh.
Có mặt trong phòng sinh cùng vợ, chồng chị Tú luôn nắm chặt tay vợ mình, động viện chị qua từng cử chỉ, ánh mắt trong suốt quá trình chuyển dạ. Lần đầu chứng kiến cảnh vợ “vượt cạn”, chồng chị không khỏi hồi hộp, xúc động. “Lần sinh con trước đây, tôi chỉ biết đứng ngoài đợi vợ nên rất lo lắng. Lần này chứng kiến sự đau đớn, nỗ lực của vợ nên càng thương vợ hơn, được ở gần động viên nên cũng thấy yên tâm hơn rất nhiều”, chồng chị Tú tâm sự.
Cũng hài lòng trước những tiện ích mà Phòng sinh gia đình mang lại, chị Lý Thị Hoa (23 tuổi, ngụ tại xã Tân Ðức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã vượt hơn 60km để sử dụng dịch vụ. Chị Hoa chia sẻ, khi đến khám thai tại BV, chị đã được nghe nhân viên y tế tư vấn về Phòng sinh gia đình, qua tìm hiểu chị đã quyết định chọn dịch vụ này. “Tôi thấy an tâm hơn rất nhiều khi có người thân bên cạnh. Ðây là dịch vụ mang đến khá nhiều tiện ích thiết thực cho sản phụ và gia đình, chi phí cũng không quá cao”, chị Hoa nói.
Nâng chất lượng dịch vụ tại bệnh viện
BS. Vĩnh Hưng, Trưởng khoa Sản, BVÐK khu vực Long Khánh cho hay, ở phòng sinh thông thường có 3 sản phụ cùng ở chung một phòng, còn khi sinh tại Phòng sinh gia đình, mỗi phòng chỉ có một sản phụ cùng người thân. Ðiều này sẽ giảm áp lực tâm lý đối với sản phụ, tạo cảm giác an tâm hơn khi có người thân bên cạnh. “Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp để phòng tránh nhiễm trùng cho sản phụ khi có người thân vào cùng. Người nhà phải mặc áo, đội nón, đeo khẩu trang của BV. Họ sẽ động viên, an ủi để sản phụ cảm thấy an lòng hơn”, BS. Hưng chia sẻ.
Trong 2 tháng đầu đi vào hoạt động, BV đã tiếp nhận hơn 100 ca sinh tại Phòng sinh gia đình, trung bình có 1 - 2 ca/ngày. Ðến tháng thứ 3, hầu như ngày nào cũng có vài ca sinh, ngày cao điểm lên đến 11 - 12 ca. Với những ca đăng ký dịch vụ Phòng sinh gia đình, bác sĩ sẽ khám và tiên lượng trước khi sử dụng dịch vụ. Chỉ các ca sinh thường, sức khỏe sản phụ tốt mới sử dụng dịch vụ này. Trong quá trình sử dụng dịch vụ, nếu sản phụ không sinh thường được thì sẽ được chuyển sang phòng mổ để sinh mổ.
Theo BS. Phan Văn Huyên, Giám đốc BVÐK khu vực Long Khánh, tâm lý của sản phụ khi đi sinh thường rất lo lắng. Do đó, BV đã quyết định đi tham khảo và triển khai mô hình Phòng sinh gia đình tại BV. Hiện tại, BV tận dụng 3 phòng chưa sử dụng của Khoa Sản để làm Phòng sinh gia đình. Tại các phòng này, BV trang trí khác biệt từ tường, ánh sáng đến âm thanh, trang thiết bị… nhằm tạo cảm giác thư giãn, thoải mái nhất có thể cho sản phụ trước cuộc “vượt cạn”. Ðặc biệt, việc để người nhà vào chứng kiến, động viên sản phụ nhằm góp phần giúp cuộc “vượt cạn” diễn ra thành công hơn và cũng là cách kết nối tình cảm gia đình. Ðây cũng chính là ý nghĩa nhân văn mà BV hướng tới.
Khi sinh tại Phòng sinh gia đình, bên cạnh sản phụ lúc nào cũng có người thân, nhân viên y tế. Ê-kíp nhân viên y tế gồm 1 bác sĩ, 1 nữ hộ sinh, điều dưỡng có kinh nghiệm để theo dõi trực tiếp, liên tục cho sản phụ từ lúc nhập viện đến khi sinh xong. Sau khi sinh, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn sản phụ cách cho bé bú, chăm sóc bé, hỗ trợ cho sản phụ những giờ đầu sau sinh. Nhân viên y tế làm việc tại Phòng sinh gia đình phải vừa có kinh nghiệm trong sản khoa, vừa có thái độ phục vụ chu đáo, tận tình.
Cũng theo BS. Huyên, đây là mô hình còn khá mới mẻ tại Ðồng Nai nhằm nâng cao mức độ hài lòng của sản phụ cũng như chất lượng dịch vụ của BV. Chi phí của một ca sinh ở Phòng sinh gia đình chỉ cao hơn phòng sinh thường vài trăm ngàn đồng. Do đó, lượng sản phụ đăng ký dịch vụ này đang ngày càng tăng lên...
Khánh Ngọc