Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ngộ độc Botulinum nguy hiểm khó lường

Tỉnh Đồng Nai vừa được Bộ Y tế cấp 1 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho 1/3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay. Đó là bệnh nhân N.T.T. (20 tuổi, ngụ xã Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch).
Bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng độc tố Botulinum vào sáng ngày 14-9.
Thuốc kháng độc tố Botulinum là các mảnh kháng thể/kháng thể trung hòa đặc hiệu độc tố Botulinum. Về lý thuyết, thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng đối với các độc tố đã gắn tại thần kinh, thuốc chỉ có hiệu quả điều trị tốt trong vòng 7 ngày kể từ khi bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện. Thuốc này được xếp vào loại thuốc hiếm, thuốc mồ côi, số lượng lưu hành rất hạn chế. Do đó, khi được cấp một lọ thuốc kháng độc tố, bệnh viện đã sử dụng cho bệnh nhân đang bị nặng nhất.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết thêm, bệnh viện đã 2 lần tiến hành hội chẩn liên viện với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và những bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum trong cả nước để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân.
“Từ trước đến nay, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nói chung như ngộ độc nấm, ngộ độc do ăn thức ăn tại bếp ăn tập thể bị nhiễm vi sinh… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc Botulinum. Do đó, ngoài việc tiếp tục hội chẩn liên viện, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị bổ trợ bằng cách tập vật lý trị liệu, phòng ngừa nhiễm trùng, chăm sóc dinh dưỡng… cho cả 3 bệnh nhân, giúp các bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe, cai dần máy thở đối với bệnh nhân T” – BS Đặng Hà Hữu Phước cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố Botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Đây là các trực khuẩn Gram dương kỵ khí tuyệt đối, sinh nha bào. Nha bào tồn tại nhiều trong đất, không khí, nước biển, ruột hải sản, chịu được điều kiện đun sôi 100 độ C ở điều kiện áp suất 1atm trong vài giờ đồng hồ.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng, sau đó mới có thể cai thở máy, nhưng bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục. Những biến chứng chính của bệnh là viêm phổi và các biến chứng của thở máy, các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét, liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.
Thực phẩm có thể gây ngộ độc cổ điển là thịt hộp. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (như đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.
Ngoài ra, những thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo cũng có thể sinh ra độc tố. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.
Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng cách, đun lại thức ăn không đủ chín trước khi ăn.
Để đề phòng bị ngộ độc Botulinum, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Với người dân, cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Hết sức thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ như sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường). Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá, vì chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố.
Người dân cũng nên ưu tiên các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đật kín theo cách truyền thống như dưa muối, cà muối, măng muối,… cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Bảo Ngọc

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang