Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cần tăng cường dạy giao tiếp tiếng Anh trong trường học

(CTT-Đồng Nai) Học sinh bắt đầu học môn tiếng Anh từ năm lớp 3 và học liên tục đến hết lớp 12. Trong 10 năm học tiếng Anh ở trường, nhưng khi tốt nghiệp, đại đa số học sinh không thể giao tiếp tiếng Anh lưu loát được. Nặng lý thuyết, nhẹ thực hành là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh học nhiều mà giao tiếp không được bao nhiêu.

Học sinh Trường Tiểu học Phước Tân (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) trong một buổi tương tác tiếng Anh với giáo viên nước ngoài
Học sinh Trường Tiểu học Phước Tân (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) trong một buổi tương tác tiếng Anh với giáo viên nước ngoài

* Chương trình nặng lý thuyết, nhẹ thực hành

Là một học sinh đang học lớp 12, Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho rằng, em rất không thích cách học tiếng Anh trong trường, bởi cách dạy và học tiếng Anh ở trường rất đơn điệu, chủ yếu tập trung giảng phần ngữ pháp, làm bài tập mà không có thực hành giao tiếp, lâu lâu mới được thầy cô mở cho xem 1 video một bộ phim ngắn nào đó, nhưng do mất “gốc” từ lâu nên có xem videos cũng không hiểu được.

Học sinh này cho rằng, muốn học sinh nghe, nói được tiếng Anh thì các thầy cô cần thay đổi cách dạy sao cho sáng tạo hơn như tạo ra môi trường giao tiếp cho học sinh ngay từ khi học sinh bắt đầu học tiếng Anh với những câu chào hỏi, giao tiếp đơn giản, dễ nói, dễ nghe nâng dần lên bằng giao tiếp, thảo thuận, trao đổi, thuyết trình, cao hơn là tranh luận bằng tiếng Anh để học sinh có thể hình thành phản xạ giao tiếp ngay từ khi còn đi học và tự tin hơn khi nói chuyện với người nước ngoài.

Vốn là một người từng tốt nghiệp khoa ngoại ngữ tiếng Anh từ một đại học, hiện có 2 con đang học lớp 7 và lớp 10 tại TP.Biên Hòa, ông Đặng Hoàng Nguyên (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi tìm hiểu chương trình dạy tiếng Anh trong nhà trường và thấy có nhiều bất cập. Mỗi bài học trong chương trình tiếng Anh bậc THPT được chia thành 5 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và ngữ pháp - ngữ âm, nhưng khi học sinh thi tốt nghiệp THPT lại chỉ kiểm tra kỹ năng ngữ pháp và đọc hiểu. Do vậy, cả giáo viên và học sinh đều không quan tâm tới kỹ năng nghe nói”.

Cũng theo ông Nguyên, chương trình tiếng Anh hiện quá ôm đồm. Suy cho cùng, học ngoại ngữ là để giao tiếp khi cần, cho nên trong chương trình cần cân bằng các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, chứ không chỉ thiên về văn phạm, chép và làm bài tập một cách máy móc.

* Làm gì để học sinh ra trường là có thể nói được tiếng Anh?

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm học 2022-2023. Đề án này là hành lang pháp lý để các trường chủ động tăng cường, nâng chất dạy và học tiếng Anh trong trường, bảo đảm học sinh thực hành đủ các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết và ngữ pháp - ngữ âm.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng, hiện tỷ lệ học sinh đạt bậc 2 (mức độ giao tiếp căn bản) về kỹ năng nghe, nói tiếng Anh (theo khung năng lực ngoại ngữ bậc 6) cho người Việt Nam và người nước ngoài còn rất thấp. Cho nên, trong thời gian tới, các trường cần tập trung thêm 2 kỹ năng nghe, nói cho học sinh, nhất là học giao tiếp với người bản ngữ.

“Hiện chương trình tiếng Anh còn nhiều bất cập. Việc thay đổi không chỉ một sớm một chiều. Bởi thế, ngành cũng đã khuyến khích giáo viên cần linh hoạt trong giờ tiếng Anh để tăng cường kỹ năng giao tiếp. Riêng học sinh, hiện nay không khó để tìm được những kênh học trực tiếp hay học gián tiếp với người bản ngữ. Nếu học sinh nỗ lực tự học sẽ có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tốt hơn” - ông Võ Ngọc Thạch cho biết.

Thế nhưng, theo một số giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường THPT tại TP.Biên Hòa, để học sinh trong trường phổ thông học tiếng Anh và có thể giao tiếp được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nội dung chương trình, thời gian đầu tư cho tiết học, trang thiết bị hỗ trợ, năng lực của giáo viên và sự tiếp thu của học sinh. Một lớp có đến 40-50 học sinh, giáo viên ngoại ngữ gần như không thể tạo ra môi trường tương tác hiệu quả cho mọi thành viên, chưa kể phần lớn học sinh còn thụ động do quen cách học đọc - chép. Để việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả trong trường phổ thông, Bộ GD-ĐT cần thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra đủ các kỹ năng.
Hạ Di

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang